Lời mở đầu

Chim có tổ, Người có tông Như cây có cội, như sông có nguồn. Chân thành cám ơn quý bà, con, cô, bác ghé thăm Trang thông tin của tộc họ Hùynh Công - Phú Lâm - Tuy Hòa - Phú Yên

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Mộ và nhà thờ Huỳnh Công Thiệu

Đăng ngày: 01/10/2012; 221lần đọc
Nhà thờ Huỳnh Công Thiệu
Di tích mộ và nhà thờ Huỳnh Công Thiệu là di tích lịch sử lưu niệm danh nhân, nhân dân địa phương thường gọi là Lăng và đền thờ Đề lãnh Huỳnh Quới Công tiền hiền. Đây là nơi thờ Đề lãnh Võ Công Hầu - vị võ quan có công lớn trong việc mở mang vùng đất phía nam Quảng Ngãi.
Vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, cuộc di dân khai phá vùng đất Quảng Ngãi của cư dân Việt được tiếp tục thực hiện khi chúa Nguyễn Hoàng cho phép và khuyến khích các tướng lĩnh, binh sỹ đem theo gia đình, vợ con ở lại và được phép chiêu mộ dân từ miền Ngoài đưa vào khẩn hoang, lập làng, tiếp tục khai phá đất đai. Đề lãnh Huỳnh Công Thiệu được giao nhiệm vụ trấn thủ vùng đất phủ Tư Nghĩa, chiêu mộ hàng ngàn lưu dân cùng binh sĩ tổ chức khẩn hoang, lập các làng thuộc xứ Lộ Bôi, huyện Mộ Hoa xưa, nay thuộc vùng đất Đức Phổ, phía nam tỉnh Quảng Ngãi.
Cùng với việc chiêu mộ thêm dân cư, Tiền hiền Huỳnh Công Thiệu còn thực hiện chính sách cấp lương cho lưu dân để họ đủ ăn khẩn hoang. Nhờ vậy, một lượng lớn lưu dân và binh lính được quy tụ, tạo nên một lực lượng khai khẩn dồi dào, hợp lực cùng lớp cư dân đến khẩn hoang, phá đầm lầy, rừng rú, làm cho ruộng vườn ngày càng rộng thêm ra, dân cư ngày càng đông đúc, rồi cùng nhau lập địa bộ, danh bộ, hình thành nên các làng xã thuộc tổng Tri Đức, huyện Mộ Hoa, phủ Tư Nghĩa. Cùng với việc khẩn hoang, lập làng, xây dựng hệ thống thủy lợi, đồng thời lo cho dân có cuộc sống an cư lạc nghiệp, Tiền hiền Hùynh Công Thiệu còn đứng ra huy động nhân dân xây dựng đình làng, miếu võ để thờ phụng thành hoàng, tổ tiên; khuyến khích việc học hành, mở trường, mời thầy về dạy cho con em trong vùng; chăm lo thực hiện chính sách khuyến nông như làm thủy lợi, tạo nên môi trường xã hội lành mạnh và truyền thống văn hóa tốt đẹp tại địa phương. Theo gia phả họ Huỳnh, ông tử trận trong lần xuất quân chinh phục người Man. 
  Có thể nói, Đề lãnh Huỳnh Công Thiệu được nhân dân trong vùng ngưỡng mộ và tôn vinh công lao to lớn của ông trong việc chiêu mộ, quy tụ lưu dân thành một cộng đồng biết đồng sức đồng lòng, vượt qua khó khăn để biến vùng đất còn hoang sơ thành làng mạc trù phú, dân cư được bảo vệ, biên cương bờ cõi được mở rộng, đất đai được phát triển.
   Di tích Mộ và nhà thờ Huỳnh Công Thiệu bao gồm 3 địa điểm. Mộ Huỳnh Công Thiệu tọa lạc tại thôn An Trường, xã Phổ Hòa huyện Đức Phổ. Nhà thờ Huỳnh Công Thiệu gồm có 2 nhà thờ: nhà thờ Phổ Ninh tại thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ và nhà thờ Phổ Minh thuộc thôn Tân Tự, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ.
   Nằm đưới tán cây trâm cổ thụ, mộ Huỳnh Công Thiệu tọa lạc tại xứ Gò Cày, thôn An Trường, xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ. Mộ được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Toàn bộ kiến trúc được xây bằng đá, trát vôi mật nhưng công phu và tinh xảo, bao quanh mộ có thành đá cao 1 m, dài 15m, rộng 10m, dày 0,6m. Thành đá có bổ trụ vuông ở bốn góc, trên phần đỉnh trụ có trang trí. Công trình kiến trúc gồm có miếu tế ( đã bị hư hại, chỉ còn lại phần nền và các trụ đá tán); cổng mộ; bình phong tiền (được trang trí bằng cách đắp nổi ốp sành mã hóa long và hình phụng); nhà bia xây liền chân mộ, trên lợp ngói âm dương ( trong nhà bia có văn bia được khắc bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi công đức của Huỳnh Công Thiệu); lòng mộ; bình phong hậu. Mộ mang giá trị nghệ thuật kiến trúc cao, thể hiện rõ bản sắc văn hóa " Đình miếu Việt Nam".
   Nhà thờ Huỳnh Công Thiệu tại thôn An Trường, xã Phổ Ninh được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Theo gia phả họ Huỳnh thì nhà thờ trước đây là một ngôi nhà ba gian, mang đậm nét phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Trải qua nhiều biến cố thời cuộc, nhà thờ bị cháy, nhiều đồ thờ quý như tàn lọng, bát bửu, hoàng phi, câu đối không còn nữa. Hiện nay, di vật lưu giữ được là sắc phong và văn bia trước nhà thờ. Văn bia này làm bằng đá Non Nước, màu trắng. Ở hai mặt trước và sau văn bia được khắc bằng chữ Hán, cho biết niên hiệu dựng bia năm là 1876 Hoằng triều Tự Đức thứ 28 và công đức mở đất lập các làng xã xứ Lộ Bôi xưa của Huỳnh Công Thiệu. Năm 1995, trên nền đất củ, con cháu họ Huỳnh xây dựng lại nhà thờ mô phỏng theo lối kiến trúc nhà thờ trước đây.
  Năm 1907, khi ấp Tân Tự tách ra khỏi xã Phổ Ninh, con cháu họ Huỳnh cùng đóng góp xây dựng nhà thờ Huỳnh Công Thiệu ở thôn Tân Tự, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ. Do chiến tranh, nhà thờ và các đồ thờ tự bị cháy, nhà thờ nhiều lần được xây dựng lại trên nền đất cũ nhưng quy mô nhỏ hơn. Đến năm 1994, con cháu họ Huỳnh cùng nhân dân địa phương xây dựng lại nhà thờ khang trang hơn, cũng mô phỏng theo kiến trúc nhà thờ trước đây. Hiện nay, nhà thờ còn lưu giữ các hiện vật đồ thờ trước đây gồm: 2 thẻ bài, sắc phong, 2 cây đao, 1 cây hèo chiêng, trống, ba bộ lư bằng đồng.
   Hàng năm, đến này 16 tháng 6 âm lịch, tại hai nhà thờ, con cháu họ Huỳnh và nhân dân địa phương đều tổ chức ngày giỗ Đức ông Huỳnh Công Thiệu. Ngày giỗ được tổ chức trang nghiêm, thành kính với các nghi lễ truyền thống như lễ rước sắc phong bằng kiệu, lễ tế. Đến này này, con cháu họ Huỳnh và nhân dân địa phương đến nhà thờ chiêm bái, tri ân bậc tiền hiền đã có công với xóm làng và gia tộc. Đây là dịp sinh hoạt đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc cần được bảo tồn và phát huy.  
                      
Vũ Thảo
 
Nguồn: quangngai.gov.vn​

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét